Chương trình mẫu giáo bé
PHẦN MỘT
MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT
A – MỤC TIÊU GIÁO DỤC CUỐI 3 TUỔI
I – PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
- Cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A, cụ thể :
Trẻ trai : Cân nặng đạt 12,9 – 20,8 kg → 16,7 ± 3,8 kg.
Chiều cao đạt 94,4 – 111,5 cm → 102,9 ± 8,5 cm.
Trẻ gái : Cân nặng đạt 12,6 – 20,7 kg → 16,0 ± 3,4 kg.
Chiều cao đạt 93,5 – 109,6 cm →101 ± 7,1 cm.
- Đi , chạy phối hợp chân tay nhịp nhàng.
- Giữ được thăng bằng trên một chân
- Ném xa 2m bằng hai tay.
- Cầm kéo cắt
- Rửa tay, lau mặt, đánh răng, cởi quần áo có sự giúp đỡ.
- Cầm được bình rót nước vào cốc.
- Nhận biết được một số vật dụng và nơi nguy hiểm.
II – PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
- Thích tìm hiểu, khám phá đồ vật và hay đặt các câu hỏi : Ai đây? Cái gì đây? ….
- Nói được một vài đặc điểm nổi bật của sự vật, hiện tượng quen thuộc.
- Nhận biết được sự thay đổi rõ nét của sự vật, hiện tượng.
- Nhận biết được tay phải, tay trái của bản thân.
- Đếm được trong phạm vi 5.
- Nhận biết được sự khác nhau về kích thước của 2 đối tượng.
- Gọi đúng tên hình tròn, hình vuông, hình tam giác.
- Nhận biết một số nghề phổ biến, gần gũi.
- Biết họ và tên của bản thân, tên của người thân trong gia đình, tên trường, lớp mầm non.
III – PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
- Nghe hiểu được lời nói trong giao tiếp đơn giản.
- Diễn đạt nhu cầu, mong muốn để người khác hiểu.
- Trả lời được một số câu hỏi của người khác.
- Kể lại chuyện dựa theo câu hỏi.
IV – PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM XÃ HỘI
- Thích chơi cùng bạn, không tranh giành đồ chơi.
- Có biểu hiện quan tâm đến người thân.
- Cảm nhận được một số trạng thái cảm xúc của người khác và có biểu lộ phù hợp .
- Chấp nhận yêu cầu và làm theo chỉ dẫn đơn giản của người khác.
- Biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, xin phép.
- Biết bỏ rác đúng nơi quy định, cất dọn đồ dùng, đồ chơi.
- Cố gắng tự thực hiện các công việc được giao.
V – PHÁT TRIỂN THẨM MĨ
- Trẻ bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp của các sự vật, hiện tượng xung quanh và các tác phẩm nghệ thuật gần gũi.
- Trẻ thích hát, nghe hát, nghe nhạc.
- Biết hát kết hợp với vận động đơn giản : nhún nhảy, giậm chân, vỗ tay…
- Biết sử dụng màu sắc, đường nét, hình dạng tạo ra các sản phẩm đơn giản.
- Biết giữ gìn sản phẩm.
B – HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT
Chế độ sinh hoạt là sự phân bổ hợp lí về thời gian và các họat động trong ngày ở trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lí – sinh lí của trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành thái độ sống, nền nếp, thói quen và những kĩ năng sống tích cực.
Tùy theo điều kiện thực tế địa phương, tùy theo mùa có thể điều chỉnh thời gian biểu cho phù hợp, nhưng khi thực hiện cần đảm bảo các nguyên tắc sau :
1. Đảm bảo tính khoa học, hợp lí, vừa sức, phù hợp với nhjp sinh học của trẻ theo lứa tuổi và cá nhân trẻ.
2. Nội dung họat động một ngày cần phong phú đa dạng, gần gũi với cuộc sống thực của trẻ , đáp ứng mục tiêu phát triển của trẻ.
3. Phân phối thời gian thích hợp và có sự cân bằng giữa các hoạt động tĩnh và động, giữa hoạt động trong lớp và ngoài trời, giữa hoạt động chung cả lớp và hoạt động theo nhóm , cá nhân.
4. Đảm bảo trình tự hoạt động được lặp đi lặp lại , nhằm tạo nền nếp và hình thành những thói quen tốt ở trẻ.
5. Đảm bảo cho mọi trẻ được hoạt động tích cực và phù hợp với đặc điểm riêng của từng trẻ, tránh sự đồng loạt, gò bó, cứng nhắc.
6. Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo, nhằm đáp ứng các nhu cầu của trẻ đang trong thời kì lớn lên và phát triển, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa phương.
PHẦN HAI
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE
a) Nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng một ngày của trẻ ở độ tuổi này trung bình từ 1400 – 1600 Kcal, chia làm 4 – 5 bữa. Trong thời gian ở trường mầm non, trẻ cần được ăn tối thiểu một bữa chính và một bữa phụ. Nhu cầu về năng lượng chime 50% - 60% nhu cầu năng lượng cả ngày, khoảng 700 – 960 Kcal/trẻ/ngày.
Trong đó: bữa chính : 500 – 700Kcal/trẻ, bữa phụ : 200 – 260Kcal/trẻ.
b) Tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng
- Đối với trẻ bình thường:
+ Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 12 – 15% năng lượng khẩu phần.
+ Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 15 – 25% năng lượng khẩu phần.
+ Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 60 – 73% năng lượng khẩu phần.
Ví dụ :
+ Chất đạm (Protit) cung cấp 13% năng lượng khẩu phần
+ Chất béo (Lipit) cung cấp 25% năng lượng khẩu phần.
+ Chất bột (Gluxit) cung cấp 62% năng lượng khẩu phần.
Tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng nên đảm bảo 100% và trong phạm vi của từng chất.
- Đối với trẻ béo phì, năng lượng do chất béo và chất bột đường cung cấp nên duy trì ở mức tối thiểu (tức là chất béo cung cấp 15% và chất bột đường cung cấp 60% năng lượng khẩu phần), đồng thời tăng cường cho trẻ ăn nhiều các loại rau, củ, quả và tích cực vận động.
c) Lượng thực phẩm
- Mỗi bữa chính trẻ ăn 300 – 400g kể cả cơm và thức ăn (khoảng 2 bát) với đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, béo, đường, muối khoáng và sinh tố. Các chất dinh dưỡng này có nhiều trong gạo, đậu, đỗ, thịt, cá, trứng, tôm, rau, đậu, lạc, vừng, dầu mỡ, các loại rau, củ, quả… và những loại thực phẩm khác, sẵn có tại địa phương.
- Lượng thực phẩm cần cho một trẻ hằng ngày ở trường (một bữa chính và một bữa phụ).
PHẦN BA
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC
a) Nhận biết, làm quen với các nhóm thực phẩm và dạng chế biến
v Làm quen với một số thực phẩm thông thường, sẵn có ở địa phương
- Gọi tên, nhận biết thực phấm sẵn có tại địa phương.
- Nhận biết và phân biệt thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật :
+ Thực phẩm có nguồn gốc động vật : Thịt, cá, trứng gia cầm, sữa và các chế phẩm tôm, cua, trai, ốc, hến, mỡ ăn…
+ Thực phẩm có nguồn gốc thực vật : gạo, mía, đậu đỗ, lạc, vừng, dầu ăn, rau, củ, quả các loại…
- Các thực phẩm khác nhau về màu sắc, kích thước, hình dạng, mùi vị, tính chất.
v Các dạng chế biến của thực phẩm : xào, nấu, rán, luộc, kho, muối dưa…và cách ăn : ăn sống, ăn chín, muối dưa, đóng hộp.
b) Lợi ích của ăn uống đối với sức khỏe, con người cần ăn uống đầy đủ, hợp lí, sạch sẽ, có thái độ tích cực trong ăn uống
v Lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe con người
- Thực phẩm cung cấp nhiều chất bổ, giúp cơ thể khỏe mạnh. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng riêng, vì vậy cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau.
- Cần ăn, uống đầy đủ, hợp lí và sạch sẽ để cơ thể sẽ : mau lớn, ít ốm đau, da dẻ hồng hào, mắt sáng, nhanh nhẹn và để lớn lên, làm việc, vui chơi và học tập. Không nên ăn quá nhiều để luôn khỏe mạnh.
v Dạy trẻ biết cách chọn thức ăn sạch sẽ và bảo quản thực phẩm một cách đơn giản : không nên ăn rau quả, dập nát, thức ăn ôi thiu. Thức ăn không ăn hết phải được cất đậy cẩn thận, không để ruồi đậu, kiến bâu…
v Các bữa ăn hàng ngày
- Dạy trẻ biết các bữa ăn trong ngày, thức ăn trong các bữa ăn đó là gì, các bữa ăn trong ngày khác nhau thế nào (số lượng, dạng chế biến…). Kể tên thức ăn ngày lễ, tết.
Ví dụ 1 : Hằng ngày, trẻ ăn 3 – 5 bữa, ở trường trẻ ăn 1 bữa chính và bữa phụ, bữa chính ăn 2 bát, bữa phụ ăn 1 bát.
Ví dụ 2 : Thức ăn đặc trưng trong ngày sinh nhật là bánh sinh nhật (gatô), ngày tết là bánh chưng, trung thu là bưởi, mam ngũ quả…
- Dạy trẻ biết mỗi bữa cần ăn đủ các loại thức ăn khác nhau, cần ăn hết suất.
- Dạy trẻ biết ăn uống sạch sẽ (thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm) : ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã được đun sôi, ăn chậm, nhai kĩ, không làm rơi vãi thức ăn…
- Tập cho trẻ có thái độ vui lòng chấp nhận, thử các thức ăn mới và ăn các loại thức ăn khác nhau, có hứng thú trong ăn uống, hình thành ở trẻ sở thích, thói quen ăn uống tốt. Không kén chọn thức ăn.
PHẦN BỐN
HƯỚNG DẪN LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC
I – NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG GIÁO DỤC
Ban giám hiệu chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch năm học dựa trên các căn cứ sau :
- Mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục mẫu giáo đã quy định trong Chương trình giáo dục mầm non Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Thời gian quy định trong năm học
- Điều kiện cơ sở vật chất và các nguồn lực khác của địa phương và trường mầm non.
- Nhu cầu và trình độ phát triển thực tế của trẻ trong lớp mẫu giáo.
II – CÁCH THỨC XÂY DỰNG KÉ HOẠCH GIÁO DỤC
Trong năm học, những nội dung quy định trong 5 lĩnh vực giáo dục của chương trình được cung cấp cho trẻ dưới hình thức các chủ đề. Từ chủ đề lớn, khi thực hiện giáo viên có thể phát triển, chia thành các chủ đề nhỏ, hình thành mảng lưới liên kết các nội dung và các hoạt động giáo dục lại với nhau.
Khi xây dựng và thực hiện chủ đề, giáo viên cần lưu ý một số chủ đề cần thỏa mãn 4 yêu cầu sau :
1. Cần tính đến nhu cầu, hứng thú của trẻ và những kiến thức bắt nguồn từ thực tế cuộc sống gần gũi với trẻ;
2. Cần được thể hiện trong các hoạt động của trường;
3. Cần được thể hiện ở sự lựa chọn và cung cấp các đồ dùng học liệu ở các khu vực chơi trong lớp;
4. Cần được tiến hành tối thiểu trong một tuần, đảm bảo có sự lặp lại và mở rộng các cơ hội học cho trẻ các độ tuổi khác nhau (mẫu giáo bé, nhỏ, lớn).
Trước tiên, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chung cho cả năm học, trong đó dự kiến các chủ đề, phân phối quỹ thời gian cho từng chủ đề cho từng khối lớp (lứa tuổi) và phổ biến hướng dẫn tổ chức thực hiện cho giáo viên trong trường.
Dựa vào kế hoạch năm học, giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tháng và hàng tuần cho lớp mình, bao gồm xác định trên chủ đề cho tháng đó, xác định mục tiêu cần đạt được nên trẻ cho chủ đề sẽ học, lựa chọn các hoạt động, sắp xếp lịch tuần, chuẩn bị đồ dùng dạy học và tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục hằng ngày theo kế hoạch dự định
Gợi ý các chủ đề trong năm học
PHẦN NĂM
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ
Đánh giá là hoạt động thu nhập thông tin. Phân tích và so sánh với mục tiêu chương trình nhằm định hướng, điều chỉnh chương trình chăm sóc- giáo dục trẻ. Hoạt động đánh giá có thể do giáo viên tiến hành để tổ chức và điều chỉnh hoạt động chăm sóc- giáo dục cho phù hợp với trẻ. Hoạt động đánh giá còn có thể do các cấp lí giáo dục (Bộ, Sở các phòng Giáo dục - Đào tạo và Ban giám hiệu nhà trường ) tiến hành để giám sát, thanh tra việc thực hiện chương trình giáo dục trẻ ở các trường mẫu giáo, mầm non.Vì vậy, căn cứ vào đối tượng tham gia đánh giá (giáo viên hay cán bộ lí giáo dục) việc đánh giá ở mẫu giáo có thể chia ra làm hai loại:
- Đánh giá trẻ trong quá trình chăm sóc giáo dục
- Đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục trẻ
I - MỤC ĐÍCH
Xác định nhu cầu, hứng thú và khả năng của từng trẻ để giáo viên có thể lựa chọn những tác động chăm sóc - giáo dục thích hợp
Đồng thời,giáo viên có thể nhận ra được những điểm mạnh , điểm yếu trong quá trình giáo dục của mình để từ đó điều chỉnh việc tổ chức hoạt động giáo dục sao cho phù hợp với trẻ.
II - NỘI DUNG
Giáo viên đánh giá trẻ hằng ngày trong quá trình chăm sóc-giáo dục có thể chia làm hai loại:
1. Đánh giá trẻ trong các hoạt động hằng ngày
Giáo viên tiến hành đánh giá trẻ hằng ngày trong quá trình chăm sóc- giáo dục trẻ.Những hoạt động trong ngày của trẻ mẫu giáo bao gồm :hoạt động chơi, hoạt động học, hoạt động lao động.
Hằng ngày,thông qua những hoạt động trên, giáo viên chú ý phát hiện ra những trẻ có các biệu hiện tích cực hoặc tiêu cực (có khả năng xếp hình hay vẽ rất tốt hay tỏ ra mệt mỏi chán ăn vv..) trong nhóm/lớp để có những hoạt động chăm sóc –giáo dục thích hợp với các trẻ đó (hoặc trao đổi với phụ huynh để có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc chăm sóc-giáo dục trẻ).
Đồng thời qua những biểu hiện của trẻ,giáo viên có thể nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình chăm sóc-giáo dục của mình để từ đó điều chỉnh việc tổ chức, việc chăm sóc- giáo dục trẻ cho phù hợp hơn.
* Các nội dung cần đánh giá:
- Những biểu hiện về tình trạng sức khỏe của trẻ.
- Cảm xúc, thái độ và hành vi của trẻ trong các hoạt động.
- Những kiến thức và kỹ năng của trẻ.
* Dựa trên kết quả đánh giá nhanh hằng ngày, giáo viên xác định:
- Những trẻ cần lưu ý đặc biệt và các biện pháp chăm sóc –giáo dục riêng phù hợp.
- Những vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức hoạt động chăm sóc –giáo dục trẻ và những thay đổi phù hợp trong những ngày sau.
Mỗi nhóm mỗi lớp cần lập Hồ sơ cá nhân cho từng trẻ để theo dõi sự tiến bộ của các trẻ trong lớp (xem cách làm ở phần 3 – phương pháp sau đây)
2. Đánh giá việc thực hiện chủ đề
Việc đánh giá chủ đề này giúp giáo viên nhìn nhận lại những việc mình và lớp mình đã làm được và chưa làm được trong chủ đề; từ đó cải tiến hay điều chỉnh các hoạt động tiếp theo, xây dựng kế hoạch của chủ đề sau được tốt hơn.
Giáo viên sử dụng phiếu Đánh giá việc thực hiện chủ đề để đánh giá những vấn đề đã làm được và chưa làm được trong chủ đề như:
- Mục đích
- Nội dung
- Tổ chức hoạt động
- Những vấn đề khác như:tình trạng sức khỏe của các trẻ trong lớp, tổ chức môi trường giáo dục, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi …..
Từ đó, giáo viên lưu ý để có thể triển khai các chủ đề khác được tốt hơn.
PHẦN SÁU
SỰ THAM GIA, PHỐI HỢP CỦA GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG VỚI TRƯỜNG MẦM NON TRONG CHĂM SÓC- GIÁO DỤC TRẺ
Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em được chia sẻ trách nhiệm giữa gia đình,các nhà giáo dục và cộng đồng. Trường mầm non chia sẻ trách nhiệm với gia đình và cộng đồng để thúc đẩy và tạo điều kiện tối ưu cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ ở trường mầm non, nhà trường và nhóm lớp cần tạo điều kiện để gia đình có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Có thể nêu một số nội dung phối hợp sau đây:
a) Phối hợp thực hiện chương trình chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ
- Tham gia tổ chức khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe cho trẻ theo định kì.
- Giáo viên và cha mẹ cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
- Phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ, có kế hoạch và biện pháp chăm sóc đối với trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có khiếm khuyết.
- Đóng góp tiền ăn, các hiện vật theo yêu cầu của nhà trường.
b) Phối hợp thực hiện chương trình giáo dục trẻ
- Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường,của nhóm, lớp.
- Cha mẹ tham gia vào các hoạt động thực hiện các nội dung giáo dục trẻ phù hợp với chương trình, cụ thể là:
+ Tạo điều kiện giúp trẻ được tự do tìm tòi khám phá trong môi trường an toàn theo khả năng và sở thích của mình để trở thành đứa trẻ tò mò, sáng tạo; tự tin và luôn được hạnh phúc vì mọi người xung quanh yêu thương, gần gũi trẻ.
+ Chú ý lôi cuốn các thành viên trong gia đình, đặt biệt các thành viên là nam giới ông, bố, anh, chú, bác tham gia vào việc chăm sóc và dạy trẻ.
+ Coi trọng giáo dục giới tính cho trẻ.
Coi trọng việc phát hiện,can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, vấn đề phát hiện sớm sự phát triển không bình thường là cực kì quan trọng. Bởi vì chính nhờ có sự phát hiện sớm mà nhiều khuyết tật của trẻ có trể được bù đắp và thích nghi, có khi tiến tới bình thường nếu được giúp đỡ kịp thời và đúng đắn. Nhà trường cần cung cấp hoặc giới thiệu cho các bậc cha mẹ trẻ biết các mốc phát triển bình thường của trẻ và những vấn đề cần lưu ý trong sự phát triển của trẻ để có thể phát hiện và can thiệp sớm.
- Phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức ngày lễ, ngày hội, tổ chức ngày sinh nhật cho trẻ…
- Tạo môi trường an toàn về tình cảm cho trẻ: Đối với trẻ, nếu lần đầu tiên đến lớp mẫu giáo thì đó là một sự khó khăn lớn đối với trẻ cũng như đối với bà mẹ. Bởi vì ở nhà mẹ con gắn bó nhau gần như suốt ngày, còn khi đến trường, đứa trẻ phải vào một môi trường hoàn toàn mới. Vì vậy, giáo viên cần tư vấn cho bố mẹ, các thành viên của gia đình biết cách chuẩn bị cho trẻ tiếp nhận sự thay đổi đó để tránh cho trẻ bị stress. Ở lớp, cô giáo cần tạo môi trường làm sao cho trẻ cảm thấy lớp cũng như ở nhà, khuyên các bà mẹ không nên để lộ sự lo âu, quá lưu luyến khi tạm biệt trẻ ở trường…Lúc về nhà, bố mẹ nên lắng nghe những câu chuyện của trẻ về trường lớp, các bạn hoặc hỏi han trẻ những gì đã xảy ra ở lớp, cố gắng động viên và khuyến khích trẻ để tạo cho trẻ cảm giác tự tin khi đến lớp. Gia đình cũng cần thiết phải trao đổi với giáo viên những đặc điểm riêng của con mình , ví dụ như thói quen ăn uống, sức khỏe, cá tính …để giáo viên có biện pháp chăm sóc- giáo dục phù hợp.